Thương Tín tên thật là Bùi Thương Tín, sinh năm 1956, tại Phan Rang, Ninh Thuận. Khán giả nhớ đến ông chủ yếu qua hàng loạt vai diễn ấn tượng như Sáu Tâm trong Biệt động Sài Gòn, thiếu tá Lưu Kỳ Vọng trong Ván bài lật ngửa hay tướng cướp Bạch Hải Đường trong Săn bắt cướp…

Nhưng Thương Tín còn là một “ngôi sao” trên sân khấu. Ông đã diễn khoảng 100 vai kịch, trong đó 2/3 là vai chính. Ông từng đóng cặp với kỳ nữ Kim Cương trong các vở gây tiếng vang như Huyền thoại mẹ, Bông hồng cài áo, Vực thẳm chiều cao, Trà hoa nữ… Tài năng của Thương Tín được nhiều người trong nghề thừa nhận.

Khi phóng viên hỏi về Thương Tín, NSƯT Lê Thiện không ngại ngần đánh giá: “Anh ấy ở Đoàn Kịch Cửu Long Giang, chính là Đoàn kịch Nam Bộ từ ngoài Bắc về. Tôi ở Đoàn Cải lương Nam Bộ, cũng từ ngoài Bắc về.

Về đây, nghệ sĩ chúng tôi mới bắt đầu được học hành, đào tạo tại chỗ. Anh Thương Tín là một trong những khoá diễn viên đầu tiên được đào tạo trực tiếp trong hoàn cảnh như thế. Anh ấy diễn rất hay, độc đáo lắm, là nghệ sĩ có tài”.

Thật khó cứu Thương Tín? - Ảnh 2.

Thời vàng son của Thương Tín

Chính Thương Tín cũng tự hào về thành tích của mình trong nghề nghiệp. Ông từng khoe với phóng viên Tiền Phong, ông đã giành rất nhiều huy chương từ kịch đến phim ảnh: “Ở vai diễn trong phim Bài ca không quên tôi giành giải nam diễn viên xuất sắc nhất, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ VI, 1982. Tôi cũng đoạt 5 huy chương vàng. Huy chương vàng đầu tiên dành cho vai diễn trong vở Màu giấy mới.

Huy chương vàng thứ hai ở vở Đứng trước biển. Huy chương vàng thứ ba ở vở Huyền thoại mẹ, khi tôi tham gia Đoàn kịch Kim Cương. Còn hai vai diễn ở hai vở nữa cũng giúp tôi đoạt huy chương vàng nhưng tôi quên tên rồi”.

Ông kể, hồi còn là diễn viên kịch ông đi diễn ở biên giới hay những vùng miền xa xôi khá nhiều và có nhiều kỷ niệm: “Hồi năm 79, tôi phục vụ ở Thái Nguyên, đang diễn phải chui xuống hầm”. Thương Tín cũng từng thắc mắc: Tại sao ông nhiều huy chương trong nghề như thế mà chưa được phong tặng bất kỳ danh hiệu nào? Thế mới là Thương Tín!

Trong khi ai cũng hiểu vì sao ông không được phong tặng danh hiệu, chỉ riêng người trong cuộc lại không hiểu. Nói đến Thương Tín, NSƯT Lê Thiện trầm giọng: “Chỉ tiếc người có tài lại có tật…”.